
Bỏng điện là loại bỏng nặng nề nhất và để lại hậu quả khôn lường. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ hoặc trở thành người tàn phế, nhiều trường hợp để lại các di chứng nặng nề về sau…

Tại khoa Chỉnh Hình Vi Phẫu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA), nam bệnh nhân H. (sinh năm 1971, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bàng hoàng nhớ lại hôm 21/05/2021, trong lúc đang đi làm hồ (thợ xây), bệnh nhân cầm cây sắt thì bị điện trung thế gần đó phóng điện, té xuống từ độ cao khoảng 1m. Bệnh nhân được đồng nghiệp đưa vô phòng khám đa khoa ở gần sơ cứu và chuyển tới BVXA. Bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng đau rát kịch liệt, huyết áp 210/100mmHg. Các vết bỏng cháy đen nham nhở gây đau đớn dữ dội cho bệnh nhân. Những vị trí bỏng nặng ở vùng bụng, lưng, 2 chân (khoảng hơn 25%).

Vết bỏng của bệnh nhân dần hồi phục

Tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu ban đầu: xịt bỏng, bù dịch, giảm đau, giảm huyết áp cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được phẫu thuật cắt lọc vết bỏng. Qua 1 tháng được điều trị, theo dõi và chăm sóc tận tình, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Các bác sĩ khuyến cáo: Thông thường trẻ em bị bỏng điện thường do bất cẩn trong sinh hoạt như nghịch ổ (phích) cắm điện, dây điện, bàn ủi (bàn là), quạt máy, đèn bàn thờ ở chỗ thấp, dây ăngten tivi… Người lớn thường bị bỏng điện do lao động, sinh hoạt. Các trường hợp người bị bỏng điện nặng thường phải điều trị kéo dài tốn kém. Khi bị điện giật, dòng điện phóng vào cơ thể làm tổn thương, đốt cháy các mạch máu, thần kinh và dần dần dẫn đến hoại tử thứ phát các chi, có thể gây chết người. Vì vậy việc theo dõi điều trị kéo dài và công phu.
Đối với an toàn khi sử dụng điện, các phụ huynh nên để những ổ điện, nguồn điện xa tầm với của trẻ, các vật điện gia dụng trong nhà cần kiểm tra thường xuyên, cần bao lại những chỗ bị hở điện. Người lao động, người lớn trong nhà cần cẩn thận khi sử dụng các thiết bị điện, cẩn thận khi đến gần các nguồn điện lớn, đảm bảo an toàn khi sử dụng điện.