CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ VÙNG ĐẦU – CỔ NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ VÙNG ĐẦU – CỔ NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?

e6c239ca86b921e778a8

Ung thư vùng đầu – cổ chiếm 10% tổng số các loại ung thư trên thế giới. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, tuổi tác, thể trạng và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị ung thư vùng đầu – cổ cụ thể. Trong đó, xạ trị là một trong những phương pháp điều điều trị chính trong ung thư vùng đầu – cổ.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trị bệnh thì những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vùng đầu – cổ trước, trong và sau khi xạ trị là vô cùng cần thiết.

1. Xạ trị ung thư vùng đầu – cổ là gì?

Xạ trị ung thư vùng đầu – cổ là phương pháp xạ trị dùng tia X năng lượng cao để phá hủy DNA của tế bào ung thư và giết chết tế bào ung thư hoặc ngăn chúng sinh sản. Xạ trị được gọi là phương pháp điều trị tại chỗ do chỉ tác động lên một khu vực cụ thể trong cơ thể nơi khối u đang phát triển.

Xạ trị ung thư vùng đầu – cổ thường được sử dụng để điều trị trước hoặc sau khi phẫu thuật. Các liều bức xạ được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư cũng có thể làm tổn thương các tế bào bình thường trong khu vực được điều trị, đó chính là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị.

Việc xạ trị cho bệnh nhân ung thư vùng đầu – cổ thường được thực hiện 5 lần/ tuần, mỗi đợt điều trị có thể kéo dài đến 7 tuần. Hóa trị có thể được chỉ định kết hợp cùng với xạ trị.

Trước khi đồng ý xạ trị, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn về quy trình và các tác dụng phụ có thể xảy ra.

2. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh xạ trị vùng đầu – cổ

a. Chăm sóc bệnh nhân trước xạ trị

Trước mỗi lần xạ trị, người bệnh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn các thủ tục cũng như những lưu ý trước khi xạ trị để đảm bảo hiệu quả cho quá trình điều trị. Bao gồm:

  • Hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục hành chính
  • Hướng dẫn bệnh nhân làm các xét nghiệm cơ bản: huyết học, hóa sinh máu, vi sinh, nước tiểu, siêu âm, XQ phổi, Chụp CT tai mũi họng (nếu có chỉ định của bác sĩ), chụp Panorex.
  • Đánh giá tình trạng răng trước khi bắt đầu xạ trị để kiểm tra xem răng có bị sâu hoặc có cần nhổ hay không. Thông thường sẽ được điều trị răng miệng trước 1 tuần khi bắt đầu xạ trị.
  • Đánh giá dinh dưỡng trước khi xạ trị để ngăn ngừa tình trạng sụt cân.
  • Phối hợp cùng bác sĩ thực hiện mô phỏng xạ trị, làm mặt nạ, khảo sát trên máy CT mô phỏng, khảo sát liều xạ.

b. Chăm sóc bệnh nhân trong quá trình xạ trị

  • Chăm sóc răng miệng sạch sẽ và giữ ẩm khoang miệng

Người bệnh cần được hướng dẫn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng kỹ lưỡng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, tối thiểu 2 lần/ ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng có nồng độ Fluor cao. Đồng thời, không dùng tăm xỉa răng để tránh gây tổn thương nướu, không đánh răng khi có viêm quanh răng, viêm lợi, chảy máu, viêm niêm mạc miệng độ 2 trở lên. Hãy khám chuyên khoa răng định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ hoặc khi có vấn đề bất thường ở răng.

Song song đó, người bệnh ung thư vùng đầu – cổ trong quá trình xạ trị cần giữ vệ sinh và giữ ẩm khoang miệng bằng những việc làm như:

– Súc miệng nhiều lần trong ngày (ít nhất 10 lần) hoặc sau khi ăn bằng dung dịch Natribicarbonat.

– Thường xuyên sử dụng các bài tập về khớp thái dương hàm hoặc sử dụng kẹo cao su không đường để nhai tập cơ thái dương hàm, nhằm mục đích ngăn ngừa dự phòng khít hàm sau điều trị.

– Dùng cao lưỡi và gạc mềm để làm sạch lưỡi (nếu có tổn thương lưỡi thì không dùng).

– Dùng thuốc kháng nấm đúng theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).

– Uống nhiều nước hoặc uống nước thường xuyên để luôn giữ ẩm cho miệng.

– Tránh hút thuốc, uống các thức uống chứa cồn, điều này có thể làm cho răng miệng của bạn bị viêm loét nặng nề hơn.

– Thường xuyên kiểm tra răng miệng hàng ngày để nhận biết và phòng ngừa các dấu hiệu của nhiễm khuẩn miệng.

  • Chăm sóc da

– Không chà sát da vùng xạ trị, không gãi, không xoa hay chạm nhiều vào da vùng xạ trị, giảm ma sát một cách tối đa nhất.

– Dùng khăn mềm để vệ sinh, thấm khô da vùng xạ khi tắm.

– Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.

– Không dùng xà bông hay sữa tắm có tính chất tẩy mạnh hoặc gây kích ứng da. Nên dùng các loại sữa tắm dành cho trẻ em.

– Khi da bị viêm đỏ, tróc vảy khô cần rửa da bằng nước muối sinh lý, thoa Biafine lên vùng da 1-2 lần/ ngày.

– Nếu da xuất tiết hãy dùng Eosine 2% bôi lên sang thương tiết dịch từ 1-3 lần/ ngày

Lưu ý: Làm sạch tay trước khi vệ sinh da. Không để móng tay quá dài khi chăm sóc da.

  • Chăm sóc dinh dưỡng

Khi điều trị xạ trị, hầu hết người bệnh đều cảm thấy đau rát miệng, giảm hoặc mất vị giác làm chán ăn, vì vậy người bệnh có nguy cơ giảm cân trong quá trình điều trị. Dưới đây một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xạ trị vùng đầu – cổ.

– Ăn thức ăn mềm lỏng, nguội, giàu đạm, nhiều vitamin.

– Tránh các thực phẩm khô, cứng giòn, dính, cay mặn.

– Chia nhỏ bữa ăn, 5 – 6 bữa mỗi ngày.

– Bổ sung sữa dành cho người bệnh ung thư như Forticare, Prosure, Renova, Ensure, Enplus…) cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

– Đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là các chất đạm, protein tránh giảm cân >10 % trọng lượng cơ thể. Thay đổi cách chế biến thức ăn để người bệnh không bị nhàm chán. Hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo 25-30 Kcal/ kg cân nặng/ ngày.

– Duy trì việc ăn uống qua đường miệng trong suốt thời gian xạ trị, tránh suy dinh dưỡng và mất nước.

– Uống nhiều nước để luôn giữ cho khoang miệng không bị khô rát.

– Bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch nếu người bệnh bị viêm niêm mạc miệng độ 3 trở lên mà không thể ăn qua đường miệng, sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể.

– Đặt ống nuôi ăn

– Mở dạ dày ra da (trường hợp đặt ống nuôi ăn không hiệu quả)

– Theo dõi cân nặng hàng tuần.

– Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, không nên lo lắng suy nghĩ.

c. Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị

– Hướng dẫn bệnh nhân tái khám định kỳ.

– Hướng dẫn cách theo dõi, ăn uống, kiến thức chăm sóc tại nhà.

– Hướng dẫn cách chăm sóc các biến chứng sau xạ trị: ví dụ như bệnh nhân bị khô miệng sau xạ trị thì nên uống nhiều nước, súc miệng thường xuyên; người bệnh bị khít hàm thì được hướng dẫn tập há miệng to; với trường hợp người bệnh bị sâu răng thì cần chải răng đúng phương pháp, tránh được nguy cơ hoại tử xương hàm.

3. Những tác dụng phụ khi xạ trị ung thư vùng đầu – cổ

Tác dụng phụ sớm xuất hiện dưới 90 ngày từ khi bắt đầu xạ trị, tăng lên từ tuần thứ 2 khi điều trị xạ trị, có thể tiếp tục diễn ra nặng nề hơn khoảng 7 – 10 ngày sau khi kết thúc, giảm dần những triệu chứng sau đó, và những tác dụng phụ thường được cải thiện sau khi đi kết thúc điều trị. Dưới đây là một số tác dụng phụ khi xạ trị ung thư vùng đầu – cổ:

  • Viêm tuyến nước bọt: thường xuất hiện trong 12 giờ đầu sau xạ trị và sẽ phục hồi trong 1- 2 ngày.
  • Khô miệng: thường xuất hiện trong 2 tuần đầu xạ trị và phục hồi sau 6 – 18 tháng.
  • Rối loạn vị giác: hay bắt đầu từ tuần thứ 2 xạ trị và phục hồi sau 2 – 4 tháng.
  • Các biến chứng trên da: khô da, da đỏ tróc vảy, viêm da.
  • Ăn uống kém, nuốt đau, mệt mỏi.
  • Thay đổi giọng nói.
  • Rụng tóc.

Ngoài ra, có những biến chứng muộn xuất hiện trên 90 ngày khi bắt đầu xạ trị vùng đầu – cổ thường gặp là: thay đổi sắc tố da, xơ chai mô mềm, hoại tử mô mềm, khít hàm, hoại tử xương hàm, sâu răng, các bệnh về răng, nhiễm nấm Candida, herpes.

Những tác dụng phụ nếu trên có thể xảy ra ở mức độ thấp hoặc cao, nhưng chúng là kết quả của sự nỗ lực kiểm soát sự phát triển của ung thư và lợi ích ích từ việc điều trị vượt xa các rủi ro tiềm ẩn.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ luôn thăm khám và chăm sóc cho bệnh nhân thường xuyên cho đến khi kết thúc liệu trình. Vì thế, người bệnh không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh của bản thân. Các bác sĩ xạ trị sẽ luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào người bệnh quan tâm để đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng căn bệnh quái ác này.

Xem thêm thông tin về Khu điều trị Ung bướu Kỹ thuật cao: https://khudieutriungbuou.bvxuyena.com.vn/khu-dieu-tri…

7494e2f74484e3daba95

Người bệnh xạ trị vùng đầu – cổ bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính Versa HD tại Khu điều trị Ung bướu Kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á

—————————–

KHU ĐIỀU TRỊ UNG BƯỚU KỸ THUẬT CAO – BỆNH VIỆN ĐA KHOA XUYÊN Á

Địa chỉ: Số 42, Quốc lộ 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh.

Tổng đài miễn phí: 1800 9075 nhấn phím 1

Hotline Trung Tâm Tiêm Chủng: 0865 855 115 – 0835 855 115

Cấp cứu (028) 379 66 999 – 18009075

Website: https://bvxuyena.com.vn/

Youtube: http://www.youtube.com/c/BỆNHVIỆNĐAKHOAXUYÊNÁ

Comments are closed.