
Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 19: Giãn tĩnh mạch tinh – nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nam giới.
Giãn tĩnh mạch tinh gặp ở khoảng 15% nam giới. Nguyên nhân là do sự khiếm khuyết của hệ thống valve tĩnh mạch tinh. Bệnh ảnh hưởng làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng (bao gồm cả giảm số lượng và chất lượng tinh trùng), lâu ngày gây teo tinh hoàn bên bị giãn tĩnh mạch tinh, làm tinh hoàn không còn khả năng sinh tinh nữa.
Trong chuyên mục “Sống khỏe cùng BVXA” kỳ này, BS.CKII. Nguyễn Ngọc Phương Tâm – trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á sẽ giới thiệu các kiến thức cần biết về căn bệnh giãn tĩnh mạch tinh.
1. Chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết thế nào là giãn tĩnh mạch tinh ạ?
Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng giãn hệ thống tĩnh mạch tinh. Bình thường đường kính tĩnh mạch tinh dưới 2mm, giãn tĩnh mạch tinh khi có hơn 1 tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch tinh có đường kính từ 3mm trở lên, được phát hiện trên siêu âm doppler.
Giãn tĩnh mạch tinh gặp ở khoảng 15% nam giới, 35% ở nam vô sinh nguyên phát (primary infertility), 70-81% nam vô sinh thứ phát (Theo Gorclick và Goldstein, 1993; Witt và Lipshultz, 1993)
Nguyên nhân là do sự khiếm khuyết của hệ thống valve tĩnh mạch tinh. Bình thường máu tĩnh mạch tinh chỉ đi 1 chiều từ tinh hoàn hồi lưu về phía bụng, nhưng do hệ thống valve này hoạt động không hiệu quả làm máu chậm hồi lưu hoặc dồn từ bụng xuống làm ứ trệ tại tinh hoàn làm ảnh hưởng tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch tinh khi có hơn 1 tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch tinh có đường kính từ 3mm trở lên.
2. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn tại sao giãn tĩnh mạch tinh lại gây vô sinh? Phải chăng ai bị giãn tĩnh mạch tinh cũng bị vô sinh?
Như đã nói ở trên, có 15% nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh và không phải ai bị giãn tĩnh mạch tinh cũng bị vô sinh mà tùy vào mức độ. Theo tác giả Nagler và Martinis (1997) giãn tĩnh mạch tinh đứng đầu trong các nguyên nhân gây vô sinh ở nam (42,2%). Có 4 cơ chế gây ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh dịch ở người bị giãn tĩnh mạch tinh:
1- Tăng nhiệt độ tinh hoàn: bình thường nhiệt độ tinh hoàn khoảng 35-360C. Giãn tĩnh mạch tinh làm máu ứ trệ, gây tăng nhiệt độ tinh hoàn bằng với thân nhiệt là 370C , việc này kéo dài làm giảm khả năng sinh tinh của tinh hoàn.
2- Ứ máu tại tĩnh mạch tinh hoàn: làm cho các chất chuyển hóa tại tinh hoàn ứ đọng, chậm đào thải gây “ngộ độc” cho các tế bào sinh tinh trùng.
3- Thiếu màu nuôi tinh hoàn: Ứ đọng máu tĩnh mạch tinh làm giảm lượng máu động mạch đến nuôi tinh hoàn làm tinh hoàn thiếu oxy và dưỡng chất, làm ảnh hưởng đến sự sản xuất tinh trùng.
4- Rối loạn nội tiết tinh hoàn: cũng gây ảnh hưởng đến sự sinh tinh.
Các cơ chế trên làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng (bao gồm cả giảm số lượng và chất lượng tinh trùng), lâu ngày gây teo tinh hoàn bên bị giãn tĩnh mạch tinh, làm tinh hoàn không còn khả năng sinh tinh nữa (vô tinh).
3. Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng giúp phát hiện giãn tĩnh mạch tinh?
Bệnh thường phát hiện giãn tĩnh mạch tinh trong các trường hợp sau:
– Có cảm giác khó chịu, căng tức ở bìu. Thỉnh thoảng có cảm giác nóng mơ hồ ở bìu.
– Bệnh lo lắng thấy các tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo ở bìu khi đứng.
– Bệnh nhân sờ thấy tinh hoàn 1 bên nhỏ hơn bên còn lại.
– Khi đến khám vô sinh.
Bệnh diễn tiến âm thầm và ngày càng nặng theo thời gian. Càng để lâu khả năng hồi phục sau điều trị càng kém.

Bệnh diễn tiến âm thầm và ngày càng nặng theo thời gian. Vì thế, ngay khi có các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch tinh, các quý ông nên đến phòng khám Ngoại Tiết Niệu BVXA để được thăm khám và tư vấn điều trị hiệu quả.
4. Thưa bác sĩ khi nào thì bệnh giãn tĩnh mạch tinh cần phải điều trị? Các phương pháp điều trị nào thường được áp dụng và hiệu quả ra sao?
Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật. Nhưng không phải tất cả các trường hợp phát hiện giãn tĩnh mạch tinh đều phẫu thuật. Có những trường hợp bác sĩ chỉ theo dõi và tái khám sau 1 thời gian.
Chỉ định can thiệp phẫu thuật khi:
– Giãn tĩnh mạch tinh gây triệu chứng đau tức vùng bẹn bìu kéo dài ảnh hưởng tới sinh hoạt và khả năng lao động.
– Giãn tĩnh mạch tinh kết hợp với teo tinh hoàn.
– Giãn tĩnh mạch tinh phát hiện trên một cặp vợ chồng vô sinh.
– Giãn tĩnh mạch tinh kèm theo bất thường về tinh dịch đồ.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật tĩnh mạch tinh giãn: Phẫu thuật nội soi, mổ mở, mổ vi phẫu. Trong đó, mổ vi phẫu được chấp nhận và ngày càng được áp dụng rộng rãi do hiệu quả cao nhưng giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng do phẫu thuật so với các phương pháp khác.

Tại BVXA, có đầy đủ các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh, bao gồm điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi, mổ hở và đặc biệt là vi phẫu.
5. Hiệu quả sau mổ như thế nào thưa bác sĩ?
Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của việc điều trị giãn tĩnh mạch tinh, mà cụ thể là phẫu thuật. Tuy các số liệu có khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy có sự cải thiện đáng kể chất lượng tinh dịch sau mổ gồm cả số lượng và chất lượng tinh trùng. Tỷ lệ cải thiện từ 51-78% ghi nhận ở các trường hợp nam vô sinh được phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh (Turek, 2005). Thậm chí theo tác giả Pasqualotto (2005) ghi nhận có trường hợp vô sinh do vô tinh xuất hiện tinh trùng trở lại trong tinh dịch sau điều trị giãn tĩnh mạch tinh.
6. Thưa bác sĩ, phẫu thuật có nguy hiểm lắm không? Và khả năng tái phát bệnh khoảng bao nhiêu phần trăm?
Tùy phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ sử dụng phương pháp gây mê hay gây tê. So với gây mê thì gây tê an toàn hơn. Phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh là phẫu thuật sạch, ít nguy hiểm. Tuy nhiên cũng có 1 số biến chứng như tràn dịch tinh mạc, chảy máu, nhiễm trùng,… và thường không quá nghiêm trọng. Các biến chứng này ít gặp nhất trong phẫu thuật vi phẫu (<1%).
Tỷ lệ tái phát từ 1-9%, thấp nhất đối với phẫu thuật vi phẫu (<1%) (Campbell, 2012)
Tóm lại, giãn tĩnh mạch tinh là bệnh lý thường gặp và không phải tất cả đều phẫu thuật, nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu. Bệnh nên đến khám ngay khi có các triệu chứng trên để điều trị sớm và đúng chỉ định nhằm theo dõi và ngăn chặn diễn tiến của bệnh nhất là teo tinh hoàn và gây vô sinh. Phương pháp phẫu thuật lựa chọn hiện nay là phẫu thuật vi phẫu do hiệu quả cao, ít tái phát và ít biến chứng.