Ảnh tiêu biểu

Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 43: Phẫu thuật điều trị bệnh van tim.

Người bị bệnh van tim vẫn có chất lượng cuộc sống tốt nếu như được phát hiện sớm, điều trị đúng, chỉ định phẫu thuật vào thời điểm hợp lý và được kiểm tra theo dõi định kỳ đều đặn. Điều may mắn là bệnh van tim hiện nay được điều trị phẫu thuật với kết quả tốt, độ an toàn cao, bệnh nhân trở lại với mọi sinh hoạt hằng ngày như người bình thường.

Trong chuyên mục hôm nay, Ths. BS. Trần Thúc Khang – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim Mạch – Lồng Ngực BVXA sẽ tư vấn cho chúng ta những kiến thức cần biết về phẫu thuật điều trị bệnh van tim.

1. Van tim là gì ?

Tim người bình thường có 4 lá van: hai van bên trái (là van hai lá và van động mạch chủ) và hai van bên phải (là van ba lá và van động mạch phổi). Trong các bệnh van tim mắc phải, hay gặp nhất là tổn thương ở các van tim bên trái: van động mạch chủ, van hai lá. Các van tim nằm ở trong các buồng tim và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh luồng máu trong tim và hoạt động chức năng chung của tim. Các van tim khi hoạt động đều tạo thành van một chiều, cho máu chỉ đi từ buồng tim này sang buồng tim kia, hoặc chỉ cho máu đi một hướng từ buồng tim vào động mạch chính của cơ thể. Các van tim bình thường hoạt động đóng – mở khi tim co bóp.

Hình ảnh minh họa van tim

2. Bệnh van tim là gì?

Bệnh van tim xảy ra khi các van tim hoạt động không đúng: nghĩa là khi van tim không mở hết hoàn toàn hoặc van tim có vấn đề khi đóng lại (đóng không kín)
– Khi van không mở được hoặc mở không hoàn toàn (gọi là hẹp van tim): các lá van bị tổn thương dính vào nhau, van tim thường bị xơ, dày, hoặc bị vôi hóa, lâu ngày sẽ co rút hẹp. Khi đó máu đi qua van tim khó khăn và gây nên hậu quả bệnh lý của bệnh hẹp van.
– Khi van tim đóng không kín (gọi là hở van tim): Lúc van tim đóng lại, máu vẫn bị dò (trào ngược) qua chỗ hở, tim làm việc nặng nhọc hơn mới đủ cung cấp máu cho hoạt động bình thường của cơ thể, do đó lâu dần gây nên nhiều hậu quả bệnh lý của bệnh hở van .
Bệnh lý van tim có thể chỉ tổn thương đơn thuần ở một van (van hai lá hoặc van động mạch chủ), hoặc tổn thương hai van chính bên trái (van hai lá và van động mạch chủ) có hay không có kèm hở van ba lá thứ phát.

Hình ảnh minh họa van tim bình thường và bị bệnh

3. Nguyên nhân của bệnh van tim là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, một số loại bệnh van tim phát hiện ngay lúc sinh (bẩm sinh), trong khi có một số khác mắc phải trong cuộc sống sau này:
– Tổ chức van tim bị thoái hóa theo tuổi già
– Thấp tim
– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (một loại nhiễm trùng lớp trong của cơ tim và van tim)
– Bệnh cao huyết áp, bệnh xơ vữa cũng có thể gây tổn thương van động mạch chủ
– Các trường hợp nhồi máu cơ tim, làm tổn thương các trụ cơ van tim cũng có thể gây bệnh van tim
– Các khối u trong tim cũng có thể gây hở van hai lá

4. Bệnh van tim nếu không điều trị sẽ diễn tiến như thế nào?

Tùy loại van tim bị tổn thương (van hai lá, van động mạch chủ), tùy loại tổn thương tại van tim (hẹp van, hở van, hay hẹp hở), tùy vào tổn thương một hay nhiều van, tùy thuộc vào nguyên nhân vv, mà diễn tiến của bệnh có thể nhanh hay chậm, và cuối cùng có thể gây nên:
– Loạn nhịp tim
– Tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, tắc mạch vành,vv
– Suy tim, suy tim nặng, tử vong
– Đột tử

5. Phẫu thuật bệnh van tim là gì?

Trong phẫu thuật, van tim của bệnh nhân bị bệnh (hẹp, hở) sẽ được sửa chữa hoặc thay thế bằng van nhân tạo tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: loại van bị tổn thương (van hai lá, van động mạch chủ, van ba lá), đặc điểm tổn thương của van tim (hẹp, hở), đặc điểm của người bệnh (trẻ em, người lớn, người già,vv.)
Phẫu thuật được thực hiện khi tim bệnh nhân được cho ngừng đập, phổi bệnh nhân được cho ngừng thở và trong thời gian này bệnh nhân được duy trì sự sống bằng một hệ thống máy thay thế gọi là hệ thống máy tim phổi nhân tạo (hay còn gọi là tuần hoàn ngoài cơ thể)
Sửa van tim: Trong khi mổ, nếu phẫu thuật viên đánh giá có thể sửa van, van tim của bệnh nhân có thể được gọt, đẽo, mở mép van nhằm sửa chữa tổn thương hẹp van. Ngược lại, đôi khi cần cắt, khâu sửa lá van, chuyển các dây chằng hay đặt thêm một vòng van nhân tạo để sửa chữa bệnh hở van. Sau sửa van, van tim của bệnh nhân được giữ lại các cấu trúc giải phẫu để hoạt động chức năng tốt hơn
Thay van: Nếu van tim không còn khả năng sửa chữa, hoặc sửa chữa nhưng không đạt kết quả thì van tim của bệnh nhân được cắt bỏ và thay thế vào đó bằng một van nhân tạo.
Có hai nhóm van nhân tạo: van cơ học được làm từ vật liệu nhân tạo, tuổi thọ của van cao hơn, nhưng bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông cả đời (để ngăn ngừa các cục máu đông hình thành tại van). Van sinh học được làm bằng màng tim của bò hay lợn đã được xử lý kỹ theo quy trình chuẩn. Van sinh học hoạt động không được kéo dài như van cơ học, nhưng thường không cần sử dụng lâu dài thuốc chống đông. Trước mổ, bạn và gia đình sẽ được bác sĩ giải thích lựa chọn loại van nào là tốt nhất tùy theo từng người bệnh. Có nhiều yếu tố để quyết định chọn lựa loại van như tuổi bệnh nhân, vị trí van cần thay, hoạt động chức năng của tim, nhịp tim, vv.

Van cơ học – Van sinh học

6. Bệnh nhân cần lưu ý những gì sau khi mổ van tim?

Ngoài những điều trị cụ thể sau mổ bệnh van tim, có một số lưu ý đối với bệnh nhân như sau:
– Bệnh nhân cần một thời gian điều trị hậu phẫu và phục hồi sau mổ. Thời gian này có thể kéo dài 2-4 tuần sau mổ.
– Bệnh nhân có thể trở lại công việc hằng ngày sau mổ 4-6 tuần tùy theo diễn tiến từng bệnh.
– Giai đoạn đầu sau mổ, lịch tái khám có thể dày hơn do cần điều chỉnh liều thuốc chống đông ở từng người bệnh. Bệnh nhân cần lưu ý các chỉ định, hướng dẫn cũng như lịch hẹn tái khám liên quan đến điều trị chống đông. Bệnh nhân được cấp một cuốn sổ theo dõi điều trị chống đông khi ra viện. Cần phải đọc kỹ mọi thông tin cung cấp trong cuốn sổ để tránh những sai sót nguy hiểm khi dùng chống đông.
– Trong cuộc sống, cần chăm sóc kỹ răng miệng, tai mũi họng, vì đó là nguồn dễ nhiễm khuẩn và là một trong những nguyên nhân gây nên biến chứng viêm nội tâm mạc.
– Khi bị bệnh, không được tự ý dùng thuốc mà phải hỏi ngay ý kiến của bác sĩ điều trị.
– Khi bệnh nhân mang van tim nhân tạo mà phát hiện có thai hoặc mong muốn có thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

7. Gia đình bệnh nhân cần lưu ý những gì khi có người nhà đến bệnh viện phẫu thuật bệnh van tim ?

– Cần hiểu rõ tình trạng bệnh lý của người thân mình.
– Cần được thông tin đầy đủ về chẩn đoán bệnh, về cách thức điều trị, về những nguy cơ của các phương pháp điều trị, cũng như cần sự đồng thuận đối với những chọn lựa điều trị này.
– Cần biết những chuẩn bị cơ bản trước cuộc mổ.
– Cần tìm hiểu những quy định khi thăm bệnh ở phòng hồi sức sau mổ, ở phòng chăm sóc tích cực tại Khoa Phẫu thuật tim mạch cũng như tại bệnh phòng. Mục đích cuối cùng là tạo mọi điều kiện phục hồi tốt nhất cho chính người nhà của mình
– Cần tuân thủ những hướng dẫn, lịch hẹn tái khám khi bệnh nhân ra viện.

Khi có dấu hiệu bất thường hoặc có triệu chứng nghi ngờ về bệnh tim mạch, quý bà con có thể đến phòng khám Ngoại Tim Mạch BVXA để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và tư vấn kỹ lưỡng.
  • Ngày đăng: 24 Tháng tư, 2017
  • Ngày cập nhật: 1 Tháng bảy, 2017

Bình luận

Tags

Tin tức mới nhất

Chương trình ưu đãi

  • TRIỂN KHAI PHÒNG KHÁM NAM HỌC
    Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và sự quan tâm ngày càng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhu cầu được khám và chăm sóc sức khỏe giới tính của nam giới cũng cao hơn.
  • KHU ĐIỀU TRỊ UNG BƯỚU KỸ...
    Khởi nguồn từ mong muốn mang đến cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả và chi phí hợp lý.
  • ƯU ĐÃI CHƯƠNG TRÌNH THAI SẢN
    Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tự hào là đơn vị uy tín với đội ngũ Y Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tiếp sức cho hàng triệu sản phụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận vượt cạn thành công.
Gọi cấp cứu
Tổng đài: 1800 9075 Cấp cứu 24/24: (083) 999 9910 CC Củ Chi: (028) 379 6699 CC Vĩnh Long: (0270) 6250 999 CC Long An: (0272) 364 999 CC Tây Ninh: (0276) 3762 999