Ảnh tiêu biểu

KHẨN CẤP MỔ LẤY BÉ, CỨU THAI PHỤ BỊ NHAU TIỀN ĐẠO KHI MANG THAI LẦN 2

Thai phụ M.L.A (23 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) mang thai con lần 2 ở tuần thai 33, bị nhau tiền đạo, ra huyết ồ ạt được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Sau 20 phút từ lúc nhập viện, các Bác sĩ khoa Sản Phụ khoa đã mổ “bắt” bé gái tròn 2,2 kg, bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và bé.

Sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng, âm đạo ra huyết cục nhiều: ghi nhận lượng máu 700ml , huyết áp 90/60 mmHg, mạch 105 lần/phút; tim thai 130 lần phút, gò 2-3 cơn 10 phút.  Khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã khẩn cấp kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và thống nhất mổ lấy bé để giữ tính mạng cho mẹ.

Chỉ sau 20 phút từ lúc tiếp nhận, ekip phẫu thuật Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á với sự dẫn dắt của bác sĩ Nguyễn Hoàng Ân đã đón thành công bé gái nặng 2,2 kg chào đời khỏe mạnh. Đồng thời, sản phụ được may lại mặt nhau bám để cầm máu kịp thời. Sau ca phẫu thuật cấp cứu, sức khoẻ của mẹ và bé đều ổn định và được chăm sóc tại khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Theo BS.CKI.Huỳnh Thị Đào – Trưởng khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết bệnh lý nhau tiền đạo có tỷ lệ 1/200 trường hợp phụ nữ mang thai. Trong những tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ mang thai cần khám định kỳ để kịp thời chẩn đoán và theo dõi hiện tượng bánh nhau bám thấp cũng như theo dõi hiện tượng ra máu.

Khi phát hiện nhau tiền đạo, sản phụ cần chú ý vấn đề bị ra máu và nhập viện kịp thời để bác sĩ tiến hành chăm sóc, dưỡng thai cho bệnh nhân, nhất là kịp thời xử trí khi có biểu hiện ra máu nhiều để tránh nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.

 

Picture1

Mẹ và bé được cứu sống và trở lại sinh hoạt bình thường sau cuộc phẫu thuật cấp cứu thai phụ bị nhau tiền đạo

Vậy, nhau tiền đạo là gì?

Nhau tiền đạo hay thường gọi là rau tiền đạo, là tình trạng nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung làm cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ. Đối với thai kỳ bình thường thì bánh nhau bám ở đoạn thân hoặc đáy tử cung.

Các chuyên gia phân chia thành 4 loại nhau tiền đạo dựa theo vị trí bám:

  • Nhau bám thấp: bờ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau bám mép: bờ bánh nhau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm: bánh nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau tiền đạo trung tâm: bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung, chiếm tỷ lệ 20% – 30% các trường hợp.

Nguyên nhân gây ra nhau tiền đạo

Theo BS.CKI. Huỳnh Thị Đào – Trưởng khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nhau tiền đạo là trong trường hợp phôi làm tổ ngay phần dưới của tử cung sẽ dẫn đến nhau thai phát triển ở đó. Nhau tiền đạo cũng có mối liên hệ với tình trạng tổn thương nội mạc tử cung và sẹo tử cung.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển nhau tiền đạo là do tiền sử bệnh và một số thói quen sinh hoạt như:

  • Vị trí bất thường của thai nhi như ngôi mông hoặc nằm ngang
  • Tiền sử phẫu thuật liên quan đến tử cung như mổ lấy thai, phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung, hút và nạo tử cung
  • Tiền sử xảy thai
  • Nhau thai lớn
  • Tử cung có hình dạng bất thường
  • Sinh con nhiều lần
  • Tiền sử đã từng được chẩn đoán nhau tiền đạo

Ngoài ra, những phụ nữ có nguy cơ mắc nhau tiền đạo khi mang thai, bao gồm:

  • Người mang thai khi trên 35 tuổi
  • Thai phụ mang thai đôi hoặc ba
  • Người hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện trong thời gian mang thai

Thai phụ có thể nhận biết hiện tượng nhau tiền đạo thông qua các triệu chứng khi mang thai gồm:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường như có máu đỏ tươi đôi khi có lẫn máu cục nhưng không gây đau đớn, có thể thấy ở 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra tự nhiên và tự cầm đột ngột mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần với lượng máu ngày càng tăng.
  • Trong một số trường hợp, thai phụ có thể đối mặt với tình trạng xuất huyết kèm các cơn đau bụng do tử cung co thắt.

Vì thế, để nhận biết bản thân có phải là đối tượng nguy cơ mắc nhau tiền đạo hay không, thai phụ nên đi khám thai định kỳ để tầm soát và dự phòng.

Picture3

Nhau thai tiền đạo bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung

Biến chứng nguy hiểm của nhau tiền đạo

Không ít những trường hợp thai phụ bị nhau tiền đạo phải nhập viện cấp cứu mổ lấy thai và đây được xem là một trong những tai biến thai kỳ nguy hiểm có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào, nhất là ở 3 tháng cuối thai kỳ.

Nhau tiền đạo có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ và ngay cả khi sinh gây nhiều nguy hiểm đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể:

Đối với thai phụ: nhau tiền đạo gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ sẽ khiến thai phụ thiếu máu, sinh non. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm trùng tử cung thậm chí phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.

Đối với thai nhi: khả năng suy dinh dưỡng, suy thai thậm chí suy hô hấp nếu phải mổ lấy thai sớm (sinh non). Thêm vào đó, việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (ngôi nông hoặc ngôi ngang) dễ xảy ra.

Picture4

Thai phụ nên siêu âm thai kỳ định kỳ để tầm soát các biến chứng thai kỳ

Cách điều trị nhau tiền đạo

Sau khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị dựa vào lượng máu có chảy nhiều hay ít, thời gian mang thai của thai phụ, tình trạng sức khỏe, vị trí của bánh nhau và thai nhi. Theo đó, nguyên tắc chung của điều trị nhau tiền đạo là thực hiện cầm máu cứu thai phụ.

Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát và hạn chế chảy máu cho đến khi thai đủ tháng hoặc có khả năng sống được sau sinh. Việc mổ lấy thai chủ động sẽ được thực hiện đối với trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm hoặc mổ cấp cứu khi ra huyết âm đạo tiến triển nhằm bảo toàn tính mạng cho thai phụ.

Đặc biệt, đối với trường hợp thai phụ bị nhau cài răng lược – biến chứng nặng nhất của nhau tiền đạo thì cần khẩn cấp mổ lấy thai chủ động khi thai đủ tháng.

Có thể thấy, nhau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì thế, những thai phụ được chẩn đoán mắc bệnh lý này cần được nhập viện theo dõi chặt chẽ, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Ngoải ra, BS. CKI. Huỳnh Thị Đào cũng khuyến cáo, để tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do sự bất thường của nhau và dây nhau, các thai phụ cần thường xuyên khám thai theo định kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy (đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ) để phát hiện và có hướng xử trí thích hợp, đặc biệt là nhau tiền đạo trung tâm – nhau cài răng lược. Đồng thời, để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, mẹ bầu cần:

  • Hạn chế mang thai khi lớn tuổi
  • Nghỉ ngơi, tránh việc nặng nhọc khi mang thai
  • Không hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá khi mang thai
  • Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết.

Để được tư vấn và đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, quý khách có thể liên hệ:

BỆNH VIỆN ĐA KHOA XUYÊN Á

Địa chỉ: Số 42, Quốc lộ 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh.

Tổng đài miễn phí: 1800 9075 nhấn phím 1

BỆNH VIỆN ĐA KHOA XUYÊN Á – VĨNH LONG

Địa chỉ: Số 68E – Phạm Hùng – Phường 9 – TP. Vĩnh Long – tỉnh Vĩnh Long.

Tổng đài miễn phí: 1800 9075 nhấn phím 2

BỆNH VIỆN ĐA KHOA XUYÊN Á TÂY NINH

Địa chỉ: Số 10 đường Xuyên Á, ấp Trâm Vàng 3, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh

Tổng đài miễn phí: 1800 9075 nhấn phím 3

BỆNH VIỆN ĐA KHOA XUYÊN Á LONG AN

Địa chỉ: Số 459, Đường tỉnh 825, Ô 4, Khu A, Thị Trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Tổng đài tư vấn: 1800 9075 – Nhấn phím 4

  • Ngày đăng: 27 Tháng bảy, 2024
  • Ngày cập nhật: 5 Tháng mười, 2024

Bình luận

Tags

Tin tức mới nhất

Chương trình ưu đãi

  • TRIỂN KHAI PHÒNG KHÁM NAM HỌC
    Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và sự quan tâm ngày càng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhu cầu được khám và chăm sóc sức khỏe giới tính của nam giới cũng cao hơn.
  • KHU ĐIỀU TRỊ UNG BƯỚU KỸ...
    Khởi nguồn từ mong muốn mang đến cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả và chi phí hợp lý.
  • ƯU ĐÃI CHƯƠNG TRÌNH THAI SẢN
    Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tự hào là đơn vị uy tín với đội ngũ Y Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tiếp sức cho hàng triệu sản phụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận vượt cạn thành công.
Gọi cấp cứu
Tổng đài: 1800 9075 Cấp cứu 24/24: (083) 999 9910 CC Củ Chi: (028) 379 6699 CC Vĩnh Long: (0270) 6250 999 CC Long An: (0272) 364 999 CC Tây Ninh: (0276) 3762 999