
Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 30: Điều trị sỏi thận không cần phẫu thuật
Có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận. Trong đó, BVXA đã triển khai phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Đây là phương pháp ưu việt nhất điều trị cho sỏi từ 6-20mm, vì không xâm lấn, ít tai biến, bệnh nhân có thể về ngay trong ngày.
Trong chuyên mục hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bệnh sỏi thận và các phương pháp điều trị bệnh này qua bài viết của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Phương Tâm – Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á.
1 ĐẠI CƯƠNG:
Sỏi niệu là bênh lý thường gặp nhất trong các bệnh về đường Tiết niệu. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 60, nam dễ mắc bệnh gấp 3 lần so với nữ, và ở người da trắng nhiều hơn người da đen.
Sỏi có thể ở bất cứ vị trí nào của đường tiết niệu: thận, niệu quản hay bàng quang. Nguyên nhân tạo sỏi là do độ pH và độ hoà tan của nước tiểu- điều này tuỳ thuộc vào cơ địa mỗi người- để từ đó hình thành lõi của sỏi, và các cặn vôi và các mảng bám cứ liên tục kết dính làm sỏi lớn dần lên.
Nhưng sỏi thường hình thành ở thận do thận có cấu trúc nhiều ngóc ngách, rộng hẹp theo từng vị trí đài bể thận. Sau đó sỏi có thể di chuyển (trôi) xuống niệu quản hay bàng quang hoặc niệu đạo.
2 SỎI THẬN:
Thận có nhiều ống dẫn nước tiểu, từ nhỏ đến lớn. Các ống nhỏ ( tiểu đài) đổ vào ống to hơn là các đài trên, đài giữa, và đài dưới. Các đài thận sẽ đổ nước tiểu vào bể chứa lớn nhất là bể thận. Bể thận nối với niệu quản, và qua niệu quản sẽ đổ nước tiểu vào bàng quang.

Nhưng sỏi thường hình thành ở thận do thận có cấu trúc nhiều ngóc ngách, rộng hẹp theo từng vị trí đài bể thận.
2.1 TRIỆU CHỨNG:
Vì thận có nhiều đài nên khi sỏi nằm ở một đài, nước tiểu sẽ thoát xuống niệu quản theo những đài còn lại. Không có sự bế tắc ở đây, nên thường không có triệu chứng gì, nếu có cũng rất mờ nhạt. Sỏi thận chỉ gây ứ nước khi sỏi trôi ra khỏi đài thận và nằm ở vị trí bể thận, lúc này sỏi có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn.
Khi thận ứ nước do sỏi sẽ có các triệu chứng:
- Đau: quặn cơn dữ dội, vã mồ hôi
- Tiểu máu
- Tiểu gắt: dấu hiệu nhiễm trùng do sự tù đọng của nước tiểu..
2.2 CHẨN ĐOÁN:
Chẩn đoán dựa vào:
- Siêu âm: để biết kích thước sỏi, có ứ nước hay không.
- X-quang ( có thuốc và không thuốc cản quang): để xem vị trí sỏi ở đâu, đài trên, giữa hay dưới.
- MSCT: trong các trường hợp khó, cần chụp thêm MSCT để đo độ cứng của sỏi, các bênh lý bẩm sinh hoặc mắc phải kèm theo : hẹp khúc nối, thận đôi, thận móng ngựa,…
2.3 ĐIỀU TRỊ:
2.3.1 SỎI THẬN NHỎ HƠN 5mm:
Dùng thuốc tan sỏi (Potassium Citrate).
Thuốc lợi tiểu : Kim tiền thảo
Uống nhiều nước: 2,5 lít/ ngày.
Có thể dùng thêm nước cốt chanh hoặc cam : 100ml/ ngày
2.3.2 SỎI THẬN TỪ 6mm ĐẾN 20mm:
Nếu kích thước sỏi từ 6mm đến 20mm, không kèm ứ nước, thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất, nhẹ nhàng nhất, không xâm hại nhất là: TÁN SỎI NGOÀI CƠ THỂ. Nếu sỏi ở đài dưới sẽ không hiệu quả bằng đài giữa và đài trên do sỏi không thể trôi xuôi dòng.
Phương pháp TÁN SỎI NGOÀI CƠ THỂ:
Dùng một máy hợp nhất các tính năng:
- Bầu nước: áp vào hông lưng có sỏi cần tán để giữ tia điện cực không bị khúc xạ, đổi chiều, mà sẽ hội tụ đúng vị trí sỏi.
- Xác định vị trí sỏi: bằng máy C-arm ( tương tự X-quang), có thể định vị sỏi một cách chính xác theo ba chiều.
- Phát xung tán sỏi: bằng đầu điện cực phát xung, xuyên qua bầu thuỷ lực

Hệ thống máy tán sỏi ngoài cơ thể.
Ưu điểm:
Không đau.
Ít tai biến.
Về trong ngày
Sau tán sỏi cần uống thêm thuốc tan sỏi, và uống nhiều nước.
Khuyết điểm:
Tuỳ theo mức độ cứng của sỏi, có thể sẽ phải tán nhiều lần, mỗi lần cách nhau một tháng.
Một biến chứng khác là khi sỏi vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ có thể trôi xuống và vướng lại niệu quản tạo thành chuỗi sỏi. Đôi khi phải can thiệp bằng phương pháp Nội soi tán sỏi ngược chiều.
2.3.3 SỎI THẬN TỪ 20 ĐẾN 30mm:
Nếu kích thước sỏi từ 20 đến 30mm có ứ nước độ I, II, thì phương pháp ưu việt nhất là Tán sỏi qua da
Phương pháp TÁN SỎI QUA DA.
Người bệnh nằm sấp, và được định vị sỏi cũng như phần ứ nước trên sỏi bằng C-arm.
Một kim có nòng được đâm xuyên qua da đến đúng vị trí ứ nước. Sau đó, sẽ nong lỗ kim rộng dần bằng bộ nong Anken.
Đến khi đủ rộng, sẽ đưa máy tán sỏi ( xung hơi, Laser, siêu âm) vào tán sỏi, kèm gắp sỏi hoặc hút sỏi ra ngoài.
Sau tán sỏi, có thể kiểm tra sỏi sót lại ngay bằng C-arm.

Ảnh minh họa phương pháp Tán sỏi qua da.
Ưu điểm:
Nhẹ nhàng, ít đau.
Có thể thực hiện trên cả vết mổ cũ.
Đây là hướng điều trị của thời đại, nhất là mini-port hoặc micro- port, đường mổ chỉ khoảng 3-5mm.
Khuyết điểm:
- Nguy cơ chảy máu trong và sau mổ.
- Rò động – tĩnh mạch thận
Nhưng tỉ lệ xảy ra các nguy cơ trên ngày càng hiếm hoi khi việc sử dụng máy tán sỏi mini hoặc micro ngày càng phổ biến.
2.3.4 SỎI THẬN TRÊN 30mm:
Sỏi có kích thước lớn hơn 30mm, thường là dạng san hô, có ứ nước và có nhiều sỏi nhỏ đọng ở các đài thận. Do vậy, được cho là dễ thất bại với các phương pháp ít xâm hại. Sự lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất là: MỔ MỞ LẤY SỎI.

Ảnh minh họa: Hình ảnh chụp phim của sỏi thận lớn, ảnh phẫu thuật và kết quả lấy sỏi.
Khuyết điểm :
Đường mổ dài: không được thẩm mỹ.
Thường có cắt sườn: nên thường bị đau sau mổ.
Do sỏi thường to, thậm chí rất to nên xác suất chảy máu, và khả năng phải truyền máu.
Ưu điểm:
Tỉ lệ sạch sỏi khá cao.
Và đó là chọn lựa sau cùng