Cách đây 3 tuần, cụ bà C. (99 tuổi) được người nhà đưa vào viện trong tình trạng sốc mất máu, lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được. Trong trường hợp này, bệnh nhân quá lớn tuổi bị phình động mạch chủ bụng vỡ – đây là một thách thức khi quyết định chọn lựa phẫu thuật đối với equipe phẫu thuật viên cũng như với gia đình bệnh nhân.
Bệnh nhân từ lúc chẩn đoán được đưa ngay vào phòng mổ, vừa hồi sức vừa mổ, và sau 3 phút vào được ổ bụng, các phẫu thuật viên cặp được động mạch chủ phía trên khối phình bị vỡ để cầm máu (lúc này động mạch chủ xẹp, không đập). Đồng thời quá trình hồi sức tích cực tiếp tục, huyết áp có lại và tạm ở mức cho phép, đồng tử hai bên còn đáp ứng ánh sáng nên các phẫu thuật viên quyết tâm tiếp tục cuộc phẫu thuật.
Khối phình động mạch chủ bụng đoạn dưới các động mạch thận, đường kính khoảng 8-9 cm, bị vỡ 1 đoạn dài khoảng 3cm. Khối phình vỡ vào sau phúc mạc, tạo thành khối máu tụ khổng lồ chiếm hơn 1/2 bụng bên trái, bóc tách toàn bộ phía sau đại tràng xuống, hố thận trái, cơ thắt lưng chậu trái. Khối phình lan rộng đến các động mạch chậu hai bên. Các phẫu thuật viên cắt bỏ khối phình động mạch chủ chậu, tái lập lưu thông động mạch chủ chậu với ghép mạch máu nhân tạo dạng chữ Y, nối giữa động mạch chủ – chậu trái và chủ – đùi bên phải. Thể tích máu mất gần 3000ml.
Sau cuộc mổ, huyết động tạm ổn, các rối loạn đông chảy máu và toan kiềm được điều chỉnh tốt, bệnh nhân tỉnh táo, tuy nhiên tình trạng suy thận cấp (do sốc mất máu làm thận thiếu máu) vẫn chưa hồi phục và bệnh nhân còn cần được lọc máu định kỳ. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, đã có nhu động ruột, bắt đầu cho ăn đường miệng và đã ra được phòng hồi sức tích cực.
Ảnh Khối phình vỡ.
Ảnh Ghép mạch nhân tạo
Theo bác sĩ phẫu thuật viên thì đây là một phẫu thuật mạch máu tối cấp cứu, và theo y văn – thì phình động mạch chủ bụng vỡ chỉ có khoảng 20% các trường hợp đến được bệnh viện, trong số đó chỉ có khoảng gần phân nửa các trường hợp vào đến được phòng mổ (vì không phải bệnh viện nào cũng có thể triển khai phẫu thuật cấp cứu mạch máu lớn). Cứ chậm 1 phút thì cơ hội sống giảm đi 2%. Trong số bệnh nhân phẫu thuật được, thì tỷ lệ biến chứng và tử vong bệnh viện (tức là trong vòng 30 ngày sau mổ) rất cao, gồm: suy thận (20-30%), nhồi máu cơ tim (2-5%), hoại tử đại tràng (15-20%), viêm phổi (15%), tổn thương não,…Đặc biệt, đối với bệnh nhân già trên 80 tuổi, thì nguy cơ này cao hơn 1,5-2 lần so với nhóm bệnh nhân trẻ hơn. Tóm lại, cơ hội sống với bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ bụng cực kỳ thấp.
Do vậy, mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều diễn tiến có thể chưa lường hết, nhưng việc cứu sống được bệnh nhân này cho đến hôm nay (3 tuần sau mổ) đã là một kỳ tích của sự quyết tâm cứu người, của sự phối hợp tốt giữa các equipe phẫu thuật tim mạch, gây mê, hồi sức tích cực, nội thận và lọc máu ngoài thận, cũng như ghi nhận niềm tin trao gởi của gia đình bệnh nhân.
Khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa gắp một con sán lá gan kích thước 20mm sống trong ống mật chủ bằng kỹ […]
Trong vòng hai tuần, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiếp nhận liên tiếp hai nữ sinh nhập viện cấp […]
Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bệnh nhân nam là anh B.M.H, 30 tuổi, […]
Trong lúc nấu ăn, người phụ nữ 43 tuổi, ngụ tại Long An gặp phải tai nạn nghiêm trọng khi một chiếc kéo rơi từ trên […]