Ảnh tiêu biểu

Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 27: Cách xử lý khi ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm về cơ bản nguy hiểm cho sức khỏe do ăn đồ ăn bị ô nhiễm gây ra. Mức độ ngộ độc thức ăn tùy thuộc vào mức độ kém vệ sinh của thức ăn đó. Người bị ngộ độc có thể nôn ói, đau bụng, mất nước, vọt bẻ, tê chi, sốt cao, đi cầu lẫn máu…

Đặc trưng của mùa nắng nóng là có nhiệt độ cao, độ ẩm cũng cao. Môi trường này là điều kiện rấ́t tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Như vậy trong mùa hè, quý bà con cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra cũng cần chọn lựa kỹ, tránh các thực phẩm “bẩn” sử dụng các chất hóa học độc hại.
Trong chuyên mục hôm nay, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Công Chánh – trưởng khoa Cấp cứu BVXA sẽ trình bày cho chúng ta các kiến thức cơ bản và cách xử lý khi có người bị ngộ độc thức ăn.

1. Thưa bác sĩ, nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm ?

Thưa quý bà con, chứng ngộ độc thức ăn thường là do ăn phải những thức ăn bảo quản không được kỹ, hay để lâu ngày, bị nhiễm vi khuẩn và các độc tố của vi khuẩn, thậm chí, khi ăn phải thức ăn có chứa các hóa chất bảo quản độc hại, có thể bị viêm dạ dày – ruột cấp.

Ăn phải thực phẩm “bẩn”, thực phẩm ôi thiu, dùng chất bảo quản, chất hóa học độc hại là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh họa)

2. Khi bị ngộ độc thực phẩm thì thường có những biểu hiện thế nào thưa bác sĩ?

Các biểu hiện thường gặp khi ngộ độc thức ăn là đau bụng vùng trên rốn kèm theo buồn nôn, nôn ói, hoặc đau bụng vùng dưới rốn, hoặc đau khắp bụng kèm theo tiêu phân lỏng nước, phân đàm nhầy, có khi kèm máu và sốt.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tê, vọt bẻ tay chân do bị mất nước và chất điện giải (gọi nôm na là mất muối) trong cơ thể.
Một dạng ngộ độc nữa là do thức ăn đóng hộp, thường xảy ra ở các nước Âu – Mỹ, nhưng gần đây đã xảy ra khá nhiều ở Việt Nam. Dạng ngộ độc này thường do độc tố, các loại vi khuẩn kỵ khí, phát triển trong môi trường đóng kín, thiếu oxy, gọi là Botulinum toxin, độc tố này có thể gây liệt thần kinh, liệt mặt, thậm chí là liệt cơ hô hấp làm cho bệnh nhân không thở được.

Đau bụng kèm theo nôn ói là biểu hiện thường gặp khi ngộ độc thực phẩm.

3. Thưa bác sĩ, nếu không may bản thân hay người thân, bạn bè bị ngộ độc thực phẩm, thì cần xử trí thế nào để đảm bảo an toàn?

Khi bị ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là chúng ta bù nước và các chất điện giải.
Cách đơn giản nhất là dùng thuốc Oresol New, loại này 1 gói pha với 200ml nước, có mùi dễ uống, cứ uống khi khát và uống mỗi lần ói hoặc tiêu chảy.
Cần chú ý các triệu chứng như vọt bẻ, mỏi chi, tê chi, sốt cao, đi phân có lẫn máu… Đây là các dấu hiệu cần phải vào bệnh viện sớm để được can thiệp và tránh diễn tiến bệnh nặng.

Khi người ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng như vọt bẻ, mỏi chi, tê chi, sốt cao, đi phân có lẫn máu… thi cần phải vào bệnh viện sớm để được điều trị. Lực lượng cấp cứu 115 BVXA luôn sẵn sàng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp.

4. Để giữ gìn an toàn sức khỏe trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm, thiết nghĩ mọi người chúng ta nên chủ động phòng ngừa. Vậy bác sĩ có lời khuyên như thế nào đến mọi người trong việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?

Quý bà con có thể tham khảo các lời khuyên sau để phòng chống ngộ độc thức ăn:
  • Chọn nguyên liệu chế biến thức ăn tươi, sạch sẽ, không bảo quản bằng hóa chất. Vệ sinh tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn, cũng như trước khi ăn.
  • Thức ăn cần được bảo quản cẩn thận, không để thức ăn ở ngoài quá lâu, vì để thức ăn ở ngoài lâu, vi khuẩn sẽ tăng rất nhanh, theo cấp số nhân khi gặp điều kiện thuận lợi.
  • Khi sử dụng thức ăn được chế biến sẵn và đóng gói, nên chú ý chọn sản phẩm ở cơ sở sản xuất tin cậy, chú ý ngày sản xuất và ngày hết hạn.
  • Với những thức ăn đóng hộp, sau khi khui hộp thì nên nấu lại cho sôi vì độc tố Botulinum toxin rất dễ bị hủy bởi nhiệt độ cao. Và khi khui hộp thì phải dùng hết, tránh để lâu.
  • Thức ăn cần được nấu chín và bảo quản kỹ.
  • Ngày đăng: 4 Tháng bảy, 2016
  • Ngày cập nhật: 13 Tháng bảy, 2017

Bình luận

Tags

Tin tức mới nhất

Chương trình ưu đãi

  • PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN, NẠO VA
    Từ ngày 1/6/2025 – 31/8/2025, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á áp dụng chương trình ưu đãi GIẢM 15% PHÍ PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN, NẠO VA.
  • KHU ĐIỀU TRỊ UNG BƯỚU KỸ...
    Khởi nguồn từ mong muốn mang đến cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả và chi phí hợp lý.
  • ƯU ĐÃI CHƯƠNG TRÌNH THAI SẢN
    Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tự hào là đơn vị uy tín với đội ngũ Y Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tiếp sức cho hàng triệu sản phụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận vượt cạn thành công.
Gọi cấp cứu
Tổng đài: 1800 9075 Cấp cứu 24/24: (083) 9999 910 CC Củ Chi: (0283) 7966 999 CC Vĩnh Long: (0270) 6250 999 CC Long An: (0272) 3649 999 CC Tây Ninh: (0276) 3762 999