Ảnh tiêu biểu

Sống khỏe cùng BVXA – Kỳ 48: Bệnh sốt xuất huyết vào mùa.

Mùa mưa đến kéo theo đó là nguy cơ muỗi gia tăng sinh sản và bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị và có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Trong chuyên mục hôm nay, BS.CK.II. Đặng Văn Hội – Trưởng khoa Nội Tổng Quát, Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á, sẽ giới thiệu về đặc điểm và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết để chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Thưa bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm. Căn bệnh này thường gặp ở trẻ em, người lớn cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện nay một số người vẫn còn quan niệm sốt xuất huyết chỉ xảy ra ở trẻ em, do đó, việc phòng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn còn hạn chế, vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn về căn bệnh sốt xuất huyết này, có có xảy ra ở người lớn không?

Thưa bà con, bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên, bệnh này lây truyền do muỗi đốt, đó là muỗi Ades aegypti hay còn gọi là muỗi vằn. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp cả ở trẻ em và người lớn, đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết, thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu suy tạng nặng, nếu không được chuẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn tới tử vong.
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, mỗi năm có 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2.5-5%. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100 ngàn trường hợp mắc và gần 100 trường hợp tử vong. Những năm gần đây, số ca sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng gia tăng với những biến chứng nặng, tử vong cao.

2.Thưa bác sĩ, cái tên của bệnh cũng đã nói lên triệu chứng của bệnh là: sốt xuất huyết – bệnh nhân thường có biểu hiện sốt và xuất huyết. Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn những triệu chứng của bệnh, để người dân có thể nhận biết khi có người mắc bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột, diễn biến qua 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn sốt.
+ Giai đoạn nguy hiểm.
+ Giai đoạn hồi phục.
Chúng ta phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh, giúp chuẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Khởi đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh. Lúc này bệnh nhân uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm, vừa hết thuốc thì lại sốt lại, có nhiều người bệnh uống thuốc hạ sốt liên tục nên dễ dẫn đến biến chứng suy gan nặng trong giai đoạn sau. Kèm theo triệu chứng sốt là triệu chứng nhức đầu, đặc biệt là triệu chứng chán ăn, bệnh nhân không muốn ăn uống gì cả, ăn không có cảm giác ngon miệng: nhai cơm nhai cá cảm giác như nhai giấy nên bệnh nhân rất kén ăn. Một số trường hợp bênh nhân buồn nôn và nôn ói. Ngoài ra, bệnh nhân còn đau nhức cơ toàn thân kèm theo biểu hiện xuất huyết. Xuất huyết dạng chấm, các chấm đỏ xuất huyết dưới da giống cọng chân nhang, thường xuất hiện ở vùng da non như là vùng cánh tay. Nặng hơn, bệnh nhân có thể chảy máu răng hay máu cam.
Giai đoạn thứ hai: giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn này chúng ta cần rất cảnh giác, thường xuất hiện ngày thứ 3 – ngày thứ 7 của bệnh. Trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng nề hơn và có thể xuất hiện các dấu hiệu nặng như: phù, tràn dịch màn bụng, tràn dịch màn phổi, đau bụng nôn ói liên tục, không ăn uống được, tiêu chảy; có thể dẫn đến dẫn đến những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng:
I. Sốc: biểu hiện huyết áp tụt, bệnh nhân li bì, nếu bệnh nhân đang sốt cao mà ngưng sốt đột ngột, cũng là dấu hiệu cảnh báo nặng của triệu chứng sốc.
II. Xuất huyết nặng: bệnh nhân chảy máu mũi nhiều, xuất huyết hoặc xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt ở người nữ có thể ra huyết âm đạo nhiều, nếu đang trong giai đoạn bị hành kinh.
III. Suy tạng nặng: suy gan cấp, suy thận cấp, viêm não, viêm cơ tim. Hiện nay, biến chứng này gia tăng ở người lớn và có nguy cơ tử vong cao.
Nếu bệnh nhân may mắn sống sót được qua giai đoạn nguy hiểm, chuyển sang giai đoạn hồi phục: các triệu chứng giảm dần, bắt đầu từ ngày thứ 7. Dấu hiệu đầu tiên của biểu hiện qua giai đoạn nguy hiểm là ăn có cảm giác ngon miệng và sau đó phát ban toàn thân, đặc biệt nhiều ở 2 chân.

Ảnh minh họa biểu hiện thường gặp của bệnh sốt xuất huyết

3. Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể nói rõ hơn về đặc điểm khác biệt giữa sốt xuất huyết người lớn và sốt xuất huyết trẻ em.

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn thì hầu như là giống nhau. Tuy nhiên, ở người lớn có số ngày sốt kéo dài hơn, có thể kéo dài trên 7 ngày, dấu hiệu sốt xuất huyết nặng hơn, dễ có biến chứng suy tạng hơn. Một thuận lợi cho việc điều trị bệnh ở người lớn là người lớn có thể hợp tác tốt với bác sĩ điều trị. Trong bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân (người lớn) hợp tác tốt thì dễ điều trị hơn, so với trẻ em.

4. Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể nói rõ hơn: đối với bệnh nhân sốt xuất huyết thì có hướng điều trị và chăm sóc thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu nặng để có hướng xử lý kịp thời.
Hai việc điều trị triệu chứng quan trọng: thứ nhất là hạ sốt. Triệu chứng sốt làm người bệnh rất khó chịu, thuốc hạ sốt thì chỉ uống được mỗi 4-6 giờ mà thôi, không được lạm dụng uống nhiều hơn vì dễ gây biến chứng suy gan nặng. Chúng ta đã biết, căn bệnh này thì sốt liên tục, không thể hạ ngay được, mà quan niệm cùa người nhà, gia đình hoặc bản thân bệnh nhân thường thấy sốt là cứ đòi uống, đó là một quan niệm sau lầm. Bên cạnh việc uống thuốc, chúng ta có một phương pháp khác rất đơn giản đó là hạ sốt bằng cách đắp nước ấm cho người bệnh. Chúng ta dùng 4-5 khăn nhỏ, pha nước ấm đắp vào vùng cổ, vùng nách, bẹn, có thể vùng trán, hai bên thái dương. Phương pháp này đơn giản nhưng rất hiệu quả. Chúng ta nên đắp khăn ấm thôi, không nên lau vì không hiệu quả mà còn gây khó chịu cho người bệnh. Người bệnh đau nhức toàn thân mà chúng ta lau vô thì đau, khó chịu hơn. Chúng ta nên đắp khăn ấm, khăn này nguội thì tiếp tục đắp khăn khác vào. Làm phương pháp này tiện lợi, hiệu quả, đỡ uống thuốc vì uống nhiều thuốc hạ sốt dễ gây viêm gan.
Việc điều trị triệu chứng thứ hai, rất quan trọng, quyết định sự lành bệnh, mau khỏi bệnh và ít biến chứng của người bệnh đó là: bù dịch và khi bù dịch, chủ yếu bù bằng đường uống, tuyệt đối không được truyền dịch trong giai đoạn đầu khi chưa có chỉ định. Đây cũng là một quan niệm sai lầm của một số người bệnh, khi bệnh ở nhà, dân gian chung ta thường mỗi lần sốt thì đi đến bác sĩ xin truyền một loại nước nào đó; hoặc khi đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện ra sốt xuất huyết, thường không truyên dịch mà chỉ tư vấn bệnh nhân uống nước, thấy sốt cao liên tục thì người nhà rất nóng ruột. Đối với bệnh này không nên truyền nước sớm trong giai đoạn đầu, nếu mà truyền sớm khi bị sốc thì rất khó điều trị. Do không truyền được nước, đòi hỏi người bệnh phải cố gắng uống nhiều nước, uống càng nhiều càng tốt. Các thức uống: thường là uống nước oresol (nước biển khô), nhưng nước này hơi khó uống, đôi khi không uống được, có thể thay bằng nước khác: nước sôi để nguội, nước trái cây – nước dừa – nước cam – nước chanh, hoặc nước cháo loãng pha muối. Đây là phương pháp điều trị chính, bằng mọi biện pháp, chúng ta phải động viên khuyến khích người bệnh uống. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị ậm ạch, buồn nôn rất khó ăn uống, vì vậy, chúng ta phải động viên tích cực thì người bệnh mới chịu uống nước. Nếu người bệnh khống uống được nước – uồng nhiều bị ói, thì chúng ta chia thành nhiều lần, mỗi lần một ít và uống liên tục. Người bệnh tuân thủ tốt việc uống nước, bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục.

Nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế khám và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ
5. Bác sĩ có thể cho biết các bạn đọc được biết về một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả?
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền. Việc phòng bệnh rất quan trọng, vì bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y Tế có khuyến cáo mạnh mẽ cho người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
+ Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng được.
+ Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa. Hàng tuần phải loại bỏ các vật phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, như: chai lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá, vỏ dừa…
+ Khi đi ngủ nên ngủ màn, mặc áo quần dài, phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
+ Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
+ Khi bị sốt thì chúng ta đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tự nhà.
Hi vọng bà con sẽ thực hiện các biện pháp nêu trên để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Diệt muỗi, tránh muỗi đốt là cách phòng ngừa sốt xuất huyết
  • Ngày đăng: 17 Tháng bảy, 2017
  • Ngày cập nhật: 20 Tháng bảy, 2017

Bình luận

Tags

Tin tức mới nhất

Chương trình ưu đãi

  • PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN, NẠO VA
    Từ ngày 1/6/2025 – 31/8/2025, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á áp dụng chương trình ưu đãi GIẢM 15% PHÍ PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN, NẠO VA.
  • KHU ĐIỀU TRỊ UNG BƯỚU KỸ...
    Khởi nguồn từ mong muốn mang đến cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả và chi phí hợp lý.
  • ƯU ĐÃI CHƯƠNG TRÌNH THAI SẢN
    Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tự hào là đơn vị uy tín với đội ngũ Y Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tiếp sức cho hàng triệu sản phụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận vượt cạn thành công.
Gọi cấp cứu
Tổng đài: 1800 9075 Cấp cứu 24/24: (083) 9999 910 CC Củ Chi: (0283) 7966 999 CC Vĩnh Long: (0270) 6250 999 CC Long An: (0272) 3649 999 CC Tây Ninh: (0276) 3762 999