Ngày 03/10/2018, Khoa Phẫu thuật Tim Mạch – Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân sốc mất máu, đe doạ tính mạng do vết thương mạch máu vùng cổ.
Bệnh nhân T.T. (42 tuổi, ngụ tại Huyện Củ Chi, TP.HCM), bị tai nạn té ngã xe máy, bị vật sắc nhọn đâm thủng cổ trái. Vết thương phun máu thành tia, ướt sũng cả quần áo. Bệnh nhân được sơ cứu cầm máu tạm ở cơ sở y tế gần hiện trường tai nạn và nhanh chóng chuyển đến BVXA TPHCM.
Ngay khi vào cấp cứu, bệnh nhân được đánh giá nhanh trên lâm sàng: sốc mất máu (huyết áp 86/60mmHg, mạch 130 l/p), hốt hoảng, còn tỉnh, vết thương cổ trái đã băng ép (đang tiếp tục rỉ máu), không yếu liệt tứ chi.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ để mổ cấp cứu cầm máu và xử trí tổn thương. Tại phòng mổ, bệnh nhân vừa được hồi sức, truyền máu, vừa phẫu thuật. Các phẫu thuật viên mạch máu phát hiện vết thương sắc gọn đâm xuyên bờ sau cơ ức đòn chũm, ở vùng II của cổ trái, vết thương đi từ trước ra sau, vào trong và xuống dưới, gây đứt đôi đoạn đầu động mạch đốt sống trái (đây là một trong các động mạch đi lên não) và máu đang phun thành tia mạnh. Bó mạch cảnh và thần kinh X còn nguyên vẹn. Ngoài ra, vết thương làm rách bán phần rễ thần kinh cổ 7 bên trái (C7- một rễ trong thành phần đám rối thần kinh cánh tay). Vết thương dừng lại khi làm đứt 1 phần mỏm ngang của đốt sống cổ 7. Các bác sĩ nhanh chóng khâu cầm máu động mạch đốt sống và cầm máu các khối cơ vùng cổ đang chảy máu, khâu phục hồi rễ thần kinh cổ, khâu phục hồi cơ vùng cổ trái bị tổn thương.
Ngay sau mổ và hồi sức, tình trạng huyết động của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, tri giác tốt, không có di chứng thần kinh, vận động tay trái tốt.
Theo các bác sĩ, tổn thương mạch máu vùng cổ mà có chảy máu ra ngoài, nếu không biết cách sơ cứu, không được phẫu thuật cầm máu và xử trí tổn thương kịp thời ở cơ sở có chuyên khoa phẫu thuật tim mạch, thì chắc chắn nạn nhân sẽ nhanh chóng tử vong.
Trong sơ cứu, băng ép là kỹ thuật cơ bản nhất để cầm máu và quyết định tiên lượng sống cho nạn nhân. Có thể dùng vật liệu sẵn có như bông, khăn, vải, vv. Tuy nhiên, ở cổ có đặc thù là nếu băng ép không đúng cách lại làm tắc đường thở và làm cản trở dòng máu lên não khiến nạn nhân không thở được và gia tăng nguy cơ thiếu máu não. Nhanh nhất là đưa tay của nạn nhân (đối diện bên tổn thương) qua đầu để làm đối trọng (như một thanh nẹp) rồi băng ép chặt lại vết thương ở cổ phía bên kia, như vậy vừa có thể băng ép cầm máu cứu tính mạng nạn nhân, vừa có thể giúp nạn nhân thở được và không làm cản trở dòng máu bên không tổn thương lên nuôi não. Ngoài ra, cũng có thể băng ép vết thương ở cổ choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân, sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến ngay bệnh viện có khoa phẫu thuật mạch máu gần nhất.
Khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa gắp một con sán lá gan kích thước 20mm sống trong ống mật chủ bằng kỹ […]
Trong vòng hai tuần, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiếp nhận liên tiếp hai nữ sinh nhập viện cấp […]
Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bệnh nhân nam là anh B.M.H, 30 tuổi, […]
Trong lúc nấu ăn, người phụ nữ 43 tuổi, ngụ tại Long An gặp phải tai nạn nghiêm trọng khi một chiếc kéo rơi từ trên […]